Mr .Yên : 091 479 1828
inoxlamson@gmail.com
Mr .Yên : 091 479 1828
inoxlamson@gmail.com
Các doanh nghiệp khai thác quặng vượt quá nhu cầu của các lò cao trong nước gây tồn kho quặng lớn, tạo áp lực để Nhà nước cho xuất khẩu quặng.
Thống kê mới đây cho thấy lượng quặng sắt xuất lậu sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, làm thiệt hại tài nguyên và thất thoát thuế.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) liên quan đến vấn đề xuất lậu quặng sắt.
TBKTSG Online: Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam thì lượng xuất khẩu quặng sắt ít hơn so với số liệu mà Hiệp hội Thép Việt Nam thống kê được từ phía Hải quan Trung Quốc, tại sao có sự chênh lệch này thưa ông?
- Ông Phạm Chí Cường: Có hai vấn đề. Một là xuất khẩu lậu quặng sắt mà không qua hải quan, chuyện này các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc đã tồn tại khá lâu rồi.
Thứ hai là các doanh nghiệp được phép xuất khẩu theo đề nghị trước đây để giảm lượng quặng tồn kho lớn, tránh phá sản (có ý kiến đồng ý của tỉnh). Các doanh nghiệp này đã xin được giấy phép xuất khẩu quặng sắt để giải quyết tình hình sản xuất khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng họ lại quay vòng các giấy phép đã xin được này rất nhiều lần, chả ai kiểm soát được, không loại trừ khả năng tiêu cực, ăn chia nhau để xuất khẩu. Nếu đi về các tỉnh biên giới phía Bắc mới thấy hiện tượng này diễn ra rất rầm rộ và gần như là chúng ta bất lực.
Tháng 1-2012 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 02 về quản lý xuất khẩu khoáng sản, trong đó nêu dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt, tại sao trong năm 2012 vẫn còn hàng triệu tấn quặng sắt xuất sang Trung Quốc?
- Tính cả nước, từ thăm dò sơ bộ đến tất cả các đánh giá tỉ mỉ thì Việt Nam có hơn 1,3 tỉ tấn trữ lượng quặng sắt. Chẳng hạn như mỏ Thạch Khê thăm dò có trữ lượng 500 triệu tấn.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm ước khoảng 1,5 tỉ tấn quặng để sản xuất ra thép khoảng 720 triệu tấn mỗi năm.
Từ nhu cầu này, Trung Quốc đã mua quặng sắt bằng mọi giá, quặng nghèo hay quặng gì họ cũng mua, họ trả tiền tươi, nên đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước rất thích “xuất khẩu” quặng sang Trung Quốc.
Các địa phương xuất khẩu quặng sắt nhiều như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thanh Hóa nơi có các mỏ sắt nằm rải rác.
Tổng nhu cầu quặng cho sản xuất thép trong nước hiện nay ra sao? ông có lo ngại các dự án thép sẽ rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu quặng để hoạt động nếu để tình trạng xuất lậu quặng sắt tiếp diễn?
- Đến thời điểm này thì nhu cầu quặng sắt Việt Nam chưa cao. Nhưng sắp tới có thêm các lò cao của Gang Thép Thái Nguyên và lò cao của Thép Hòa Phát và một số lò khác đi vào hoạt động thì nhu cầu quặng sẽ tăng lên rất nhiều.
Hiện giai đoạn 2 của Gang Thép Thái Nguyên đã thiếu 30% nhu cầu quặng sắt làm nguyên liệu. Tôi rất lo ngại hàng loạt dự án thép của Việt Nam sẽ thiếu nguyên liệu hoạt động chỉ trong vòng 1-2 năm tới nếu cứ xuất ồ ạt thế này.